| | |

Pháp Lý Khi Nhượng Quyền Thương Hiệu Trà Sữa Năm 2024

Trong hơn một thập kỷ qua, trà sữa đã trở thành một trong những thức uống được ưa chuộng và phổ biến tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển của thị trường trà sữa là hoạt động nhượng quyền thương hiệu trà sữa, một mô hình kinh doanh đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Trong bài viết này, TUIBAO sẽ cùng bạn tìm hiểu về hoạt động nhượng quyền thương hiệu trà sữa tại Việt Nam, và các yếu tố pháp lý quan trọng cần lưu ý khi tham gia vào mô hình kinh doanh này.

1. Điều kiện của bên nhượng quyền

Theo TUIBAO tìm hiểu và đọc trên các trang mạng xã hội liên quan đến pháp luật, Căn cứ Điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, sửa đổi bởi Điều 8 Nghị định 08/2018, bên nhượng quyền chỉ cần thoả mãn duy nhất một điều kiện chính là “Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”.

Để đánh giá, so với quy định cũ trước đó thì điều kiện của bên nhượng quyền thương hiệu đã được tinh giản hơn rất nhiều, từ 3 điều kiện rút xuống 1 để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đây được đánh giá là một bước tiến trong quy định của Luật Thương mại Việt Nam.

2. Điều kiện của hệ thống nhượng quyền thương hiệu trà sữa 

Nếu như quy định tại Điều 6 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, hệ thống nhượng quyền cần thoả mãn về điều kiện đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại, thì điều này đã bị bãi bỏ bởi Điều 9 Nghị định 08/2018/NĐ-CP.

Chính vì vậy, hiện nay hệ thống nhượng quyền, trong đó có nhượng quyền thương hiệu trà sữa không còn chịu sự ràng buộc nào về điều kiện khi nhận quyền thương mại.

Xem thêm: 5 Lý do nhượng quyền thương hiệu là sự lựa chọn cho người mới bắt đầu

Xem thêm: Sai lầm khi mở quán trà sữa

3. Quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu của bên nhượng quyền thương hiệu trà sữa

Căn cứ Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu về quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”, và Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, “Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác”.

Như vậy, có thể hiểu, chuyện nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu là việc chủ sở hữu quyền sở hữu thương hiệu trà sữa chuyển giao quyền sở hữu của mình cho một tổ chức, cá nhân khác. Hay nói một cách dễ hiểu theo hiện nay là nhượng quyền thương hiệu trà sữa mình đang sở hữu cho một cá nhân, tổ chức khác.

Căn cứ Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, hay nói cách khác, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu của bên nhượng quyền được hạn chế như sau:

  1. ” Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
  2. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.
  3. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.
  4. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
  5. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.”

4. Các nội dung chính của hợp đồng nhượng quyền thương hiệu trà sữa

Hợp đồng nhượng quyền thương hiệu trà sữa khi ký kết nếu chọn áp dụng pháp luật Việt Nam đều sẽ có những nội dung chủ yếu tại Điều 11 Nghị định 35/2006/NĐ-CP như sau :

  • Nội dung của quyền thương mại;
  • Phạm vi sử dụng đối với thương hiệu thời trang;
  • Quyền, nghĩa vụ của bên nhượng quyền;
  • Quyền, nghĩa vụ của bên nhận quyền;
  • Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán;
  • Thời hạn hiệu lực của hợp đồng;
  • Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

Ngoài các nội dung chủ yếu (gần như là bắt buộc) trên, trong quá trình đàm phán ký kết, các bên liên quan có thể bổ sung thêm các nội dung khác theo thỏa thuận và thêm những điều khoản cụ thể, chi tiết hơn để hợp đồng nhượng quyền thương hiệu trà sữa được hoàn thiện.

5. Lưu ý bảo mật bí mật kinh doanh liên quan đến công thức trà sữa

Trong hoạt động nhượng quyền thương hiệu trà sữa, một yếu tố quan trọng mà các chủ thương hiệu và đơn vị nhượng quyền cần lưu ý đó là bảo mật bí mật kinh doanh liên quan đến công thức trà sữa. Công thức trà sữa đặc biệt và độc quyền của mỗi thương hiệu là nhân tố quan trọng để tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn cho sản phẩm của thương hiệu đó trên thị trường.

Để đảm bảo bí mật kinh doanh, các chủ nhượng quyền thương hiệu trà sữa cần thiết lập các biện pháp bảo vệ công thức sản phẩm cho thương hiệu của mình, bao gồm:

– Hợp đồng bảo mật: Khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương hiệu trà sữa, nên đảm bảo rằng các điều khoản về bảo mật thông tin cũng như bí mật kinh doanh được ghi rõ và được tuân thủ bởi các bên có liên quan.

– Quản lý truy cập thông tin: Hạn chế truy cập và phân phối công thức, chỉ cho những người có quyền và nhu cầu sử dụng. Hãy đảm bảo rằng chỉ có những người được đào tạo và có kinh nghiệm chuyên môn mới có thể truy cập sử dụng công thức độc quyền của thương hiệu.

– Bảo vệ vật lý: Bảo đảm rằng các tài liệu và thông tin liên quan đến công thức được lưu trữ, bảo quản một cách an toàn và bảo mật. Có thể áp dụng các biện pháp như quản lý truy cập, hệ thống camera giám sát và hạn chế sao chép tài liệu.

– Đào tạo và quản lý nhân viên: Đảm bảo rằng nhân viên được đào tạo về quyền riêng tư và bảo mật thông tin kinh doanh. Thiết lập quy trình giám sát và kiểm tra để đảm bảo tuân thủ các quy định bảo mật.

– Giám sát và kiểm tra: Thực hiện kiểm tra định kỳ và giám sát việc tuân thủ các quy định bảo mật để phát hiện, cũng như xử lý kịp thời bất kỳ vi phạm nào ở hệ thống nhượng quyền thương hiệu trà sữa.

Bảo mật bí mật kinh doanh liên quan đến công thức trà sữa không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi giá trị của thương hiệu, mà còn đảm bảo sự độc nhất và cạnh tranh trên thị trường khốc liệt này.

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, TUIBAO khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Tham gia bất kỳ một mô hình nhượng thương hiệu quyền trà sữa nào bạn cũng nên tìm hiểu kỹ trước khi tham gia, vì những điều khoản được ký kết sẽ được đảm bảo bởi pháp luật Việt Nam. Vì vậy, hãy luôn chắc chắn rằng hiểu rõ về những điều trên hoặc đã được chủ thương hiệu hay các tổ chức luật sư (nếu bạn tìm đến hội luật sư) tư vấn kỹ.

Xem thêm: Địa chỉ cung cấp nguyên liệu pha chế giá sỉ TPHCM 

TUIBAO chúc bạn tìm được một hệ thống nhượng quyền thương hiệu trà sữa để đồng hành trên con đường thành công của bạn nhé!

Một bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *